TẠO CẦU NỐI GIỮA DI SẢN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan. Tuy nhiên, việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa luôn là bài toán thách thức.
Trong thời đại ngày nay, không thể phủ nhận việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển có quan hệ ngày càng mật thiết với nhau, không thể tách rời nhau. Có thể nói trong bảo tồn có phát triển, trong phát triển có bảo tồn. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực vẫn còn nhiều ảnh hưởng tiêu cực của sự phát triển đối với di sản văn hóa và ngược lại. Các hoạt động phát triển của các ngành như xây dựng phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp khai khoáng, thủy điện… đang tác động đến sự ổn định lâu dài của di sản văn hóa. Tìm đến một sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển các ngành nghề này là một vấn đề nan giải, phức tạp. Chỉ thiếu ý thức một chút là di sản văn hóa và thiên nhiên sẽ bị hư hại phá hủy.

TẠO CẦU NỐI GIỮA DI SẢN VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

 

Cùng với đó, công tác bảo tồn đang có khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm cho di sản “to đẹp” hơn, “hiện đại” hơn, nổi tiếng hơn để thu hút khách. Các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, “nâng cấp di sản”. Năm 2012, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã bị trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích” bằng những nguyên vật liệu, cấu kiện mới, thậm chí đập đi xây mới hoàn toàn nhà Tổ và gác Khánh. Ngoài ra còn hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như: Lăng Ngô Quyền (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017), Bia Quốc học Huế (2017), xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (2017)…

Người ta thậm chí còn dám làm động giả, chùa giả, “biến không thành có” để thu lời, kiếm chác. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xẻ núi dựng cột bê tông làm đường dài hơn 1 km với hơn 2.200 bậc…

Tất cả những trùng tu, tôn tạo, xây mới kiểu này đều theo hướng cố gắng làm cho di sản hoành tráng hơn, to đẹp hơn, nổi tiếng hơn. Bên cạnh đó là tình trạng lạm dụng, khai thác cạn kiệt di sản không tính đến đặc điểm, tính chất, tuổi thọ của chúng. Đơn cử như việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, các sự kiện lớn, ăn uống, tiệc tùng trong các hang động của Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng…

Xu hướng thương mại hóa di sản thể hiện ở những nỗ lực mở rộng quy mô lễ hội, bóp méo bản chất của diễn xướng dân gian, ngụy tạo các sinh hoạt văn hóa cổ truyền, cốt sao thu hút được càng nhiều du khách càng tốt nhằm thu lợi từ các dịch vụ liên quan. Nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ được đưa lên sân khấu, hoặc được tổ chức tùy tiện khắp nơi như trên vỉa hè, trong quán xá, thậm chí là trong đám cưới. Cả những loại hình di sản vốn không quan tâm đến khía cạnh kinh tế như Đờn ca tài tử, Dân ca Quan họ Bắc Ninh… cũng được khai thác để “xin tiền”…

Mặt khác, về công tác quản lý đang có những sự chồng chéo về chức năng, có nơi vừa là cơ quan quản lý, vừa là đơn vị sự nghiệp dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Một thực tế cần hết sức lưu ý là công tác quản lý các di tích và địa điểm di tích có những giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học nhưng vì những lý do khác nhau chưa được xếp hạng, có nghĩa là đang thiếu những cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn. Đây là nguyên nhân khiến cho không ít công trình kiến trúc có đến vài trăm năm tuối, điển hình là đình làng Lương Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội đã được tùy tiện sửa chữa không phép trong thời gian gần đây.

Từ thực tế trên, có thể nói để tạo ra cầu nối giữa bảo tồn và phát triển đang là thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý. Theo GS.TS Trương Quốc Bình- Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, việc đổi mới công tác quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là bổ sung chỉnh sửa Luật, kiện toàn bộ máy quản lý di tích và danh thắng ở Việt Nam hiên nay cần được sớm xem xét, thực hiện, đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu phát triển bền vững. Trong thực tế hiện nay, những quan niệm sai lầm tận thu từ di sản để đem lại nguồn lợi kinh tế đã và đang khiến nhiều di sản bị xâm hại, có nơi tới mức trầm trọng. Vài năm gần đây, tình trạng xâm phạm di sản hết sức đáng báo động đã và đang diễn ra tại nhiều nơi trong toàn quốc. Điều đáng nói là việc vi phạm ngày càng có quy mô lớn và xảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các di sản tầm quốc gia, quốc gia đặc biệt và thậm chí là tại các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Điển hình như vi phạm ở gần nhất là ở Mã Pì Lèng khu di tích quốc gia Cột cờ Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ, bàn về bảo tồn bền vững di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội không chỉ hạn chế ở mức độ tăng trưởng kinh tế mà trước hết phải hướng tới mục tiêu phát triển cộng đồng. Ở đó, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và giá trị của di sản văn hóa. Nâng cao năng lực sáng tạo tạo cơ hội tiếp cận và hưởng thụ giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng. Khuyến khích cộng đồng tham gia một cách tự nguyện và chủ động vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, giao cho cộng đồng quyền lựa chọn và đưa ra quyết định về việc bảo tồn di sản văn hóa. Có thể hiểu, mục tiêu phát triển cộng đồng là góp phần mở rộng, phát triển nhận thức và hành động có tính chất hợp tác trong cộng đồng, phát triển năng lực tự quản của cộng đồng.